Mình có một dự án, dự án suốt cả cuộc đời mình là đi nhiều nơi, dự nhiều thánh lễ ở các nhà thờ, nguyện đường, thánh đường khác nhau và kể về những trải nghiệm đó. Cho đến giờ, câu chuyện kể chưa phải nhiều nhưng nó vẫn còn luôn được tiếp diễn, mà chắc chắc chưa bao giờ dừng lại...
1. Đi lễ ở nhà thờ Trung Bắc, giáo hạt Xóm Mới, Sài Gòn
Vùng Xóm Mới mấy chục năm trước toàn là người có đạo, là đạo Công Giáo ấy, vì kiểu hơn đến 99% thì là người Bắc di cư vào Nam những năm 54 và 55. Gần đây thì có bị loãng đi một tí, phần vì những thế hệ trước đã về với đất, phần vì lớp trẻ như mình toàn yêu đương xa xôi, rồi lấy vợ lấy chồng đến từ khắp nơi trên thế giới, cái rồi khu Xóm Mới đã có thêm đủ loại phương ngữ như giọng Nam, giọng Bắc Hà Nội, giọng Trung… và đủ thứ tiếng khác nhau trên đời.
Mình đi lễ cũng đúng dịp lễ Lòng Thương Xót Chúa. Lòng Thương Xót Chúa chính là bổn mạng của Thiếu Nhi Thánh Thể ở đây, cũng là tước hiệu của Nhà thờ và nhà xứ Trung Bắc. Cha Thụ làm lễ nói rất nhiều về điều này, cho thấy Ngài cũng tôn thờ và mừng kính Lòng Thương Xót Chúa đến nhường nào. Cách đây khoảng hơn năm, cứ thứ 6 đầu tháng, là Cha Long từ Lòng Thương Xót Chúa đều đến nhà thờ làm lễ, kéo theo rất nhiều người từ khắp mọi nơi đến đây. Mình còn nhớ, những chiều hôm ấy, hoặc là mình đi làm về rất sớm, hoặc rất trễ để tránh chuyện kẹt xe suốt một quãng đường dài.

2. Đi lễ ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Bangkok, Thái Lan
Phải nói rằng, thực sự mình rất thích những bài hát được hát trong buổi lễ hôm đấy. Những bài ca có tiết tấu nhanh, vui vẻ, nhiều khí thế, lời ca chủ yếu là tôn vinh Thiên Chúa và yêu mến mọi người. Mình không được nhìn thấy ca đoàn, nhưng nổi bật là giọng hát của một anh (hoặc chú) một mình cân hết cả cộng đoàn. Anh này hát rất hay, cộng thêm bài hát hay theo kiểu hân hoan lắm, cho nên đến cả những người không cùng ngôn ngữ cũng cảm thấy say sưa theo cùng.
Lúc chúc bình an, trước mặt mình là một gia đình 4 người, bố mẹ và 2 cô con gái. Có lẽ họ mất chừng đến 5 phút để có thể chúc bình an cho nhau, nhưng rất đáng yêu. Khi cha vừa dứt lời, ông bố liền quay sang hôn má cô con gái út 2 bên, bà mẹ quay sang hôn hai mái của cô con gái lớn 2 bên, tiếp tục mẹ hôn 2 má gái út, bố hôn 2 má gái lớn, hai con gái hôn má nhau 2 lần, hai vợ chồng hôn má nhau 2 lần. Tính sơ sơ, chỉ trong 5 phút, cái gia đình đó đã thương nhau đến cả 12 lần. Nếu vậy, trong cuộc đời họ, họ thương nhau đến hàng ngàn, hàng vạn lần. Trong lúc đấy, lòng mình thấy vui vui, nhưng cũng thấy buồn buồn, mình đã thương yêu người nhà mình bao nhiều lần, đếm xem?


3. Đi lễ ở nhà thờ Mardalena thuộc khu số 11, Campuchia
Tôi ngồi cạnh một ông lão người địa phương, ông là người Việt chính hiệu, Khi tôi hỏi về nhà thờ, ông bảo nhà thờ tên là Mardalena, còn khu vực xung quanh này gọi là Khu số 11. Nơi này trước kia nổi tiếng là một… lò gái điếm, tựa như kiểu mấy phố đèn đỏ bên Châu Âu ấy. Khu số 11 lại toàn là dân Việt Nam chứ, đến khoảng 80%. Cuộc sống thì khó khăn, người dân lao động nghèo thì cũng chẳng biết đến con chữ, con số là gì, chỉ có đám trẻ bây giờ mới có cơ hội học hành được chút đỉnh. Người ta hát kinh, xướng lễ cũng chỉ giống như một bài học truyền miệng thuộc lòng mà thôi. Đến những người Mỹ muốn gầy dựng lại Khu số 11 cũng phải lắc đầu với cái lò gái điếm này. May mắn một điều, từ hồi nhà thờ Công Giáo được xây dựng ở đây, năm 1998 thì phải, mọi sự đã từ từ thay đổi, chuyện bán buôn thể xác đã được loại bỏ dần, và đến giờ thì chẳng còn nữa. Người dân đã biết làm ăn, chăm lo cho cái cuộc sống tuy vẫn còn nghèo, nhưng xem ra tốt đẹp hơn xưa rất nhiều. Cũng vì vậy, mà nhà thờ được đặt tên là Mardalena. Trong nhà thờ có 6 bức tranh vẽ về người phụ nữ này, từ một gái điếm sau khi một lần gặp gỡ Chúa Giêsu thì thay đổi cuộc sống.

Đây là các em học sinh dâng lễ vật trong thánh lễ ở Campuchia
4. Sống lại thời Thiếu Nhi Thánh Thể ở Mái ấm Bình An, quận 8, TPHCM
Hồi giữa hè rồi, mình cùng công ty có đi thiện nguyện tại mái ấm Bình An, phát quà cho các em bé cấp 1 ở đây, để các em có đủ hành trang chuẩn bị cho năm học mới. Các em dù sống trong nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn các bạn trẻ khác, nhưng luôn giữ trong mình sự hồn nhiên, thánh thiện, nụ cười xinh xắn và thái độ lễ phép và biết ơn. Có được điều này, phần nhiều cũng là nhờ công dạy dỗ của các thầy, cô, dì và các sơ.
Đó là một ngày tuy mệt vì phải vận động bở hơi tai cùng các em vốn rất năng động, mồ hôi nhễ nhại để chuẩn bị các phần ăn cho các bé... Nhưng đổi lại, đó là cảm giác được sống lại những ngày Chúa Nhật xưa nhưng chưa bao giờ cũ trong mình, có khi là gật gù khi Cha đang giảng lễ, có những ngày phải khảo kinh khi sắp nhận phép Bí Tích, có những lần sinh hoạt rộn rã tiếng cười... Ngày hôm ấy, đó không chỉ là một ngày tràn ngập quà cho các em, mà đó cũng là ngày mình tự tặng cho mình món quà ký ức tuyệt đẹp.

Chụp hình kỷ niệm cùng các sơ, các dì tại mái ấm
Mình đã viết những lời này trong chính đêm Đức Thánh Cha Phanxico ban phép lành Urbi at Orbi vào đêm ngày 27/3/20, cầu cho cơn dịch bệnh Covid-19 sẽ mau chóng đi qua. Mình kể về chuyện được đến sân vận động sân vận động Thephasadin Staidum tại Bangkok, Thái Lan ngày 21/11/2019, tham dự thánh lễ dưới chủ sự của Đức Giáo Hoàng Phanxico. Đó là một điều mà mình không thể nào quên trong suốt cuộc đời mình.
5. Giờ phút mong chờ của cuộc đời
Đúng 6h chiều, các ngọn đèn trong sân vận động đã được thắp sáng vàng rực. Màn hình bắt đầu chuyển những hình ảnh đầu tiên của Đức Giáo Hoàng tiến vào sân vận động nhỏ trước. Ngài bước ra khỏi chiếc xe hơi màu đen, tiến lên chiếc xe SUV màu trắng quen thuộc của Ngài. Xe không có miếng chắn kính, vì Ngài luôn chủ trương muốn được gần gũi với mọi người, đó cũng là nỗi sợ hãi của đội cận vệ.
