Một lời giới thiệu
Là một người trẻ đang theo học ngành Công nghệ thông tin, tôi không dám nói mình thực sự hiểu rõ về nó, nhưng chí ít tôi cảm nhận được sâu sắc sự thay đổi và tiến bộ liên tục và nhanh chóng của thế giới số. Công nghệ giờ đây không còn là một lĩnh vực mơ hồ, chuyên biệt để nghiên cứu và phát triển trong phòng thí nghiệm, mà nó đã thương mại hóa, vận dụng vào hầu hết các lĩnh vực lớn nhỏ trong đời sống. Và thế là, người trẻ, có thể tôi cũng không là ngoại lệ, vô tình hoặc cố ý để nó trở thành một thần tượng mới trong mắt mình. Có đôi lúc tôi đã hoài nghi, liệu giữa một thế giới tiện nghi và tiến bộ vượt bậc, Thiên Chúa Ngài ở đâu, hay nói một cách đề cao chính mình, chúng ta để Ngài ở đâu?
Một sự đánh động
Một hôm, tôi biết đến cuộc thi này, và tất nhiên là qua mạng xã hội, tôi tìm đọc Tông huấn Christus Vivit, và bắt gặp câu nói: “Việc chìm đắm trong thế giới ảo dễ dàng đưa tới một kiểu “di cư kỹ thuật số”, nghĩa là xa rời gia đình cũng như các giá trị văn hoá và tôn giáo. (Christus Vivit 90)” Tôi dừng lại hồi lâu, và bắt đầu viết bài viết này, một chút tâm tư về thế giới thực và ảo, và sự kết nối giữa người trẻ và Chúa Ki-tô. Thật dễ để nhìn ra luôn có hai trường phái đối lập giữa tôn vinh lợi ích và suy xét những tác hại mà nó mang lại, thậm chí là ngay bên trong mỗi chúng ta. Tôi chỉ xin dám nói lên những suy nghĩ của một người có thể gọi là trực tiếp tiếp cận và xây dựng nên nó.
Một thực trạng
Ngay lúc này, không khó để chúng ta bắt gặp những thực tế đau lòng, khi những việc làm, những lời nói của chúng ta khi được đưa lên thế giới ảo lại trở thành những “cuộc xét xử sơ sài (CV 89)”, làm cho tâm hồn của người trẻ vốn đã nhạy cảm, nay lại càng tổn thương sâu sắc, và thế là chúng ta dần khép mình lại với thế giới thực, mà âm thầm theo dõi nó qua thế giới ảo.
Bên cạnh đó, gia đình và Giáo hội, có đôi lúc thay vì trở thành thành trì vững chắc để chúng ta, những người trẻ nương tựa, lại trở thành rào cản thứ hai khiến chúng ta cô lập chính mình hơn (xin đừng hiểu lầm về thành kiến hay ý nghĩ xấu của tôi về gia đình và Giáo hội, tôi chỉ xin liệt kê những vấn nạn mà người trẻ đang vướng mắc). Thế nên, tông huấn đã đề cập đến cảm giác “bị đè nén bởi các truyền thống gia đình và tìm cách chạy trốn theo tiếng mời gọi của nền văn hoá đã được toàn cầu hóa (Christus Vivit 80)” và “Hội thánh bị hiểu lầm và xa lánh, vì bị xem như nơi để phán xét và lên án (Christus Vivit 81)”.
Cuối cùng, khi đã cô lập bản thân, chúng ta càng chìm đắm vào tội lỗi và những nết xấu dai dẳng của chính mình mà không sao thoát ra được. Tệ hơn nữa, chúng ta dễ dàng bắt gặp trên mạng hình ảnh những người trẻ thực hiện những trò tiêu khiển, những trò chơi cảm giác mạnh để chứng tỏ bản thân, lời nói cổ xúy cho các phong trào tự do ngôn luận sai trái, minh nhiên thảo luận, ủng hộ về các vấn đề tự do tính dục, tự do giới tính, “mình thích thì mình làm thôi”... Những chủ đề về Thiên Chúa, Giáo hội, mục vụ, tôn giáo xem ra chẳng còn hứng thú với chúng ta nữa.
Một niềm hy vọng
Nhưng điều làm tôi băn khoăn hơn cả là làm sao để người trẻ tiếp cận đến thế giới ảo một cách “Ki-tô hữu” nhất. Chúng ta không thể và không được ép buộc bản thân từ bỏ sử dụng nó chỉ vì nó có hại, mà không nhắc đến những lợi ích to lớn mà nó mang lại cho hành trình thiêng liêng của chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong tông huấn này một lần nữa khẳng định Chúa Ki-tô luôn luôn có giải pháp cho mọi vấn đề. Quả thế, ngài nêu ra mẫu gương của Đấng Đáng Kính Carlo Acutis (ngài sẽ được phong chân phước vào ngày 10 tháng 10 năm nay), một lần nữa như một lối thoát và một thách thức đối với chúng ta, đó là nên thánh trong thế giới kỹ thuật số. Tôi cảm thấy được an ủi vô cùng với anh chàng lập trình viên ấy, một người nhận được ơn hiểu biết đặc biệt từ Thiên Chúa. Ở đây, tôi chỉ xin đưa ra ngắn gọn về sự hiểu biết của anh, anh nói: “ai cũng được sinh ra như là bản gốc, nhưng nhiều người lại chết đi như những bản sao.” Một lời nhắc nhở dành cho người trẻ rằng chúng ta ai cũng đều ao ước mình khác biệt để thật nổi bật trong thế giới ảo của chính mình, nhưng đối với anh, sự khác biệt phải được kín múc từ nơi Chúa Ki-tô. Bấy lâu nay chúng ta lầm tưởng Người cũ kỹ, đơn điệu, thậm chí là nhàm chán, mà quên mất bản thân chúng ta, là những thụ tạo của Người đã rất khác nhau, phương chi đến Đấng dựng nên chúng ta, Ngài còn phong phú, sâu sắc và rực rỡ biết mấy.
Một kinh nghiệm của bản thân
Tuy nhiên, có khi không phải vì chúng ta không lưu tâm đến Chúa, mà áp lực cô lập, xa cách mọi người đã khiến chúng ta đau khổ, tuyệt vọng đến mức xa lánh Thiên Chúa. Những lời nhắc nhở sống thánh thiện, đem lại niềm vui cho gia đình và mọi người dần trở nên đầy nhàm chán và hoài nghi. Tôi xin được khiêm tốn viết ra kinh nghiệm riêng cho vấn đề. Rất đơn giản, đó là sự kiên trì. Tôi xem phương pháp này như là cách “lấy độc trị độc”. Chúng ta cứ kiên trì làm những công việc của chúng ta, dẫu nhiều lúc thật trống rỗng và thiếu vắng Thiên Chúa, nhưng thật ra Chúa Ki-tô Ngài vẫn sống và vẫn luôn dõi theo, nâng đỡ chúng ta. Người trẻ chúng ta, vẫn là những thụ tạo yếu đuối, nên thật dễ bị thu hút bởi những điều hào nhoáng, mới lạ mà xa rời Thiên Chúa, thì sự kiên trì này như một sợi dây ràng buộc chúng ta với Thiên Chúa. Để Ngài tiếp tục kéo dậy chúng ta ra khỏi những vũng lầy của cuộc đời (tôi xin được nói là những vũng lầy, chứ không phải một bởi tính liên tục và kéo dài của nó).
Một lời kết
Bài viết thật sự đã khá dài, nên tôi xin kết thúc ở đây với một vài định nghĩa của Carlo Acutis, “Thánh Thể là đại lộ dẫn đến Thiên Đàng.”, “Luôn luôn gần gũi Chúa Giê-su, đó là kế hoạch cho cuộc đời của tôi.” Đối với tôi, một người hay thiết kế những hoạch định và mô hình trong lĩnh vực công nghệ, thì đây là nền tảng không thể sai lầm và bền vững. Ước chi, chúng ta những người trẻ dẫu trăm chiều thử thách, đau đớn và tuyệt vọng vẫn bám lấy và kiên trì bám lấy hồng ân vô biên, là chính Chúa Ki-tô. Ngài sẽ biến đổi ta lúc nào không hay.
25/06/2020
Nguồn ảnh: http://www.miracolieucaristici.org/en/Liste/list.html