Có lẽ chưa lúc nào mà hạn từ “thanh xuân” lại trở nên “hot” như bây giờ. Từ phim ảnh, âm nhạc, sách, báo và mạng xã hội tràn ngập các trích dẫn nhắc đến khái niệm này. Có người cho rằng giới trẻ đang tôn thờ một loại tín ngưỡng gọi là “tín-ngưỡng-tôn-thờ-thanh-xuân”. Văn nghệ sĩ trẻ, các tập đoàn truyền thông, các thương hiệu làm đẹp, thời trang ra sức khai thác, dung nạp và đào sâu các tầng ý nghĩa của “thanh xuân” để tạo sức hấp dẫn đối với người trẻ. Đôi khi chúng ta bắt gặp những “tuyên ngôn” cổ súy cho lối sống buông thả, dễ dãi và hưởng thụ của một bạn trẻ nổi tiếng nào đó trên mạng xã hội và được ủng hộ rất nồng nhiệt. Có lẽ đâu đó trong hàng trăm, thậm chí hàng triệu lượt tương tác ủng hộ tư tưởng và lối sống ấy, có cả chúng ta nữa, những người trẻ mang trong mình căn tính Công Giáo.
Giữa những nguy cơ đối với đời sống đức tin của người trẻ, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã triệu tập Thượng hội đồng giám mục thế giới nhằm tìm ra các giải pháp mục vụ dành riêng cho người trẻ. Đây là thượng hội đồng giám mục đầu tiên trong lịch sử giáo hội mà chủ đề chính để các nghị phụ cùng thảo luận là về các Ki-tô hữu Trẻ. Hoa trái của thượng hội đồng chính là tông huấn Christus Vivit được ban hành tại Rô-ma bởi Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô vào ngày 25/03/2019. Tông huấn sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Trong suốt 299 số của tông huấn, chúng ta nhận ra một lời kêu gọi tha thiết từ vị cha chung của mình, Ngài kêu gọi người trẻ hãy can đảm sống khác đi, can đảm sống cho những giá trị mà Chúa đã ban cho mình. Ngài viết:
“Chúng ta đừng bao giờ hối tiếc về việc đã dành tuổi trẻ của mình làm người tốt, khi mở lòng ra cho Chúa và sống một cách khác. Tất cả những điều ấy không hề lấy mất tuổi trẻ của chúng ta, nhưng lại làm cho tuổi trẻ mạnh mẽ và được đổi mới: “Tuổi trẻ của ngươi được đổi mới tựa chim bằng” (Tv 103,5)” . (17)
Nói là “sống một cách khác” nhưng thực tế lời mời gọi ấy chính là mời gọi mỗi người xuất phát lại từ Đức Ki-tô để Người dẫn dắt chúng ta. Đức Ki-tô cũng là một người trẻ, một người trẻ bằng xương thịt, có hỷ, nộ, ái, ố như chúng ta, Người chỉ khác chúng ta là Người vô tội. Thánh Kinh đã nhiều lần cho thấy những việc làm và lời nói của Đức Ki-tô rất thường bị người đương thời dè bĩu và tẩy chay, thậm chí không ít lần Người suýt bị ném đá. Chúa của chúng ta từng bị xem như một tên mất trí khi nói sẽ phá hủy và xây dựng lại đền thờ Giê-ru-sa-lem trong vòng ba ngày. Chính Chúa của chúng ta đã bị các môn đệ “phản pháo” thẳng thừng với Người là “lời này nghe chói tai quá” khi Người nói về việc ăn thịt và uống máu mình để được sự sống đời đời. Là Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên giống như Đức Ki-tô. Người không kêu gọi chúng ta trở nên những người trẻ lập dị và tách biệt, nhưng là biết sống cho người khác, để hướng đến tình yêu tuyệt đối như chính Người: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám hiến thân vì bạn hữu mình” (x.Ga 15;13)
Đức Ki-tô đã ngỏ lời với chúng ta: Hãy theo Thầy! Lời mời gọi ấy rõ ràng, dứt khoát. Hành trình theo Thầy có thể mệt mỏi, đau đớn, kiệt sức nhưng chưa bao giờ là một hành trình nửa vời hoặc thỏa hiệp. Lựa chọn theo Thầy, người trẻ lựa chọn chết đi cho con người cũ với những khuynh hướng tự nhiên của mình để có thể đạt đến “sự trọn lành” như chính Thầy là Đấng trọn lành. Trên hành trình “sống khác” với thói đời, người trẻ không hề đơn độc, vì “Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, mặc dù đôi khi có vẻ như Người giữ thinh lặng. Khi chúng ta cần đến Người, Người tỏ mình ra cho chúng ta (x. Gr 29,14) và Người ở bên chúng ta trong bất cứ nơi nào (x. Gs 1,9). Vì Người không bao giờ phá vỡ giao ước [nên] Người yêu cầu chúng ta đừng bỏ Người: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15, 4). Nhưng nếu chúng ta xa lánh Người, “Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2,13)” (154).
Thánh Augustino từng nuối tiếc thanh xuân của mình khi thốt lên rằng “Lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính vừa tân kỳ, con đã yêu Chúa quá muộn màng, con đã yêu Chúa quá muộn màng!” Xin Chúa cho người trẻ chúng con nhận ra chính Chúa là mùa xuân vĩnh cửu của cuộc đời mình. Xin cho chúng con luôn đầy chất “Chúa” trong lòng, để thanh xuân của chúng con không chỉ là những khoảnh khắc chóng qua như “một tách trà” hay chỉ là “cơn mưa rào” mà là niềm hạnh phúc bất diệt vì được sống, được yêu và được hiến thân phục vụ tha nhân. Amen.
Phê-rô Trịnh Việt Tân
Bài viết hay quá anh ới!